Viêm khớp là tình trạng đau nhức xương khớp ở một hoặc một vài vị trí trên cơ thể. Viêm khớp rất phổ biến đối với những người từ 65 tuổi trở lên, nhưng trong nhiều trường hợp, nó cũng có thể xuất hiện ở trẻ em, không phân biệt giới tính hay chủng tộc.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), có khoảng 54.4 triệu người lớn ở Mỹ được chẩn đoán mắc phải viêm khớp. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật ở Mỹ.
Bài viết dưới đây sẽ mang đến cho bạn tất cả các thông tin về viêm khớp: nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa. Đọc tiếp bài viết sau đây của Sachainchi.vn để biết thêm thông tin hữu ích nhé!
Viêm khớp là gì?
Khớp là nơi hai hoặc nhiều xương gặp nhau, chẳng hạn như ở ngón tay, đầu gối và vai. Các khớp có vai trò cố định xương và cho phép xương di chuyển linh hoạt hơn.
Viêm khớp không phải là một bệnh đơn lẻ, nó có thể gây sưng và đau ở một hoặc nhiều khớp. Các triệu chứng chính của bệnh này là đau và cứng khớp, tình trạng sẽ nặng dần theo tuổi tác. Có hàng trăm loại viêm khớp khác nhau. Dưới đây là các dạng viêm khớp thường gặp.

Viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp là một dạng viêm cột sống, gây ra những cơn đau và sưng các khớp của cột sống. Trong trường hợp này, cơ thể có thể tạo ra nhiều khoáng chất Canxi hơn. Khi này, lượng Canxi bổ sung có thể làm các mẫu xương mới phát triển trong cột sống, gây đau và cứng khớp.
Bệnh gút
Bệnh gút thường xuất hiện ở ngón chân cái nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp khác trên cơ thể. Nguyên nhân của bệnh gút xuất phát bởi hàm lượng axit uric trong cơ thể quá cao có thể hình thành các tinh thể tồn tại trong và xung quanh khớp.
Viêm khớp vô căn vị thành niên (JIA)
Tình trạng viêm khớp xuất hiện trên cơ thể trước tuổi 16 được gọi là viêm khớp vô căn vị thành niên. JIA bắt nguồn từ tình trạng tự miễn dịch và hệ thống miễn dịch của cơ thể gây ra những cơn đau và sưng khớp.
Viêm xương khớp
Đây là loại viêm khớp phổ biến nhất và có thể trở thành nguyên nhân gây thoái hóa khớp. Theo ước tính, có khoảng 8.75 triệu người Anh đến gặp bác sĩ để giải quyết bệnh viêm xương khớp.
Viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến là tình trạng tự miễn dịch của cơ thể có thể gây sưng, đau và cứng bên trong hoặc xung quanh khớp, cũng như phát ban da có vảy đỏ được gọi là viêm khớp vảy nến.
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp xuất hiện khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh của cơ thể gây ra tình trạng viêm.
Viêm khớp nhiễm trùng
Bệnh có thể phát triển khi vi khuẩn hoặc vi sinh vật gây bệnh lây lan qua máu đến khớp hoặc khi khớp bị nhiễm trực tiếp vi sinh vật do chấn thương hoặc phẫu thuật.

Nguyên nhân gây ra viêm khớp
Nguyên nhân gây ra viêm khớp khác nhau tùy theo loại hoặc dạng viêm khớp. Nhìn chung, các nguyên nhân có thể bao gồm:
- Sự hao mòn của sụn
- Chấn thương
- Chuyển hóa bất thường
- Nhiễm trùng
- Rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch
Hầu hết các bệnh viêm khớp có liên quan đến sự kết hợp của các yếu tố, tuy nhiên một số không có nguyên nhân rõ ràng và không thể nhận biết trước. Ngoài các nguyên nhân kể trên, vẫn còn một số nguyên nhân gây ra viêm khớp mà chúng ta không thể thay đổi được.
- Tuổi tác: Nguy cơ mắc các loại viêm khớp tăng lên theo tuổi tác
- Giới tính: Viêm khớp dạng thấp phổ biến ở nữ giới, có khoảng 60% tổng số người viêm khớp là nữ. Ngược lại, hầu hết đối tượng mắc bệnh gút lại là nam.
- Di truyền: Viêm khớp dạng thấp (RA), viêm cột sống dính khớp, Lupus ban đỏ (SLE) có thể di truyền.
- Béo phì: Quá cân gây căng thẳng cho các khớp, đặc biệt là đầu gối, hông và cột sống, tăng tỷ lệ bị viêm khớp.
- Nghề nghiệp: Một số công việc liên quan đến việc gập đầu gối và ngồi xổm lặp đi lặp lại có liên quan đến thoái hóa khớp gối.
Các dấu hiệu và triệu chứng khi bị viêm khớp
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất khi bị viêm khớp tùy thuộc vào loại viêm khớp mà bạn mắc phải. Tuy nhiên, nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào sau đây, hãy gặp bác sĩ để theo dõi và chữa trị.
-
Đau
Các cơn đau do viêm khớp có thể xuất hiện liên tục nhưng cũng có thể ngắt quãng. Các cơn đau đôi khi chỉ xuất hiện ở một bộ phận nhưng cũng có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên cơ thể.
-
Sưng tấy và đỏ
Một số loại viêm khớp có thể khiến làn da ở vị trí viêm phát ban đỏ, các vị trí này cũng trở nên sưng tấy, đi kèm với cơn nóng rát.
-
Cứng khớp
Cứng khớp là một triệu chứng điển hình. Với một số loại viêm khớp, triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi trong thời gian dài. Với một số khác, cứng khớp có thể xuất hiện sau khi vận động.
-
Giảm phạm vi chuyển động
Nếu viêm khớp ảnh hưởng đến bàn tay hoặc cánh tay, có thể khiến bạn khó thực hiện các công việc hàng ngày. Viêm khớp ở các vị trí chịu sức nặng có thể khiến bạn không thể đi lại thoải mái hoặc ngồi thẳng.

Cách phòng ngừa viêm khớp
Một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng với các bài tập thể dục phù hợp, tránh hút thuốc và không uống rượu là cách phòng ngừa viêm khớp hữu hiệu.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp bạn đạt được cân nặng hợp lý và kiểm soát dễ dàng tình trạng viêm nhiễm. Tránh sử dụng các loại thực phẩm đã qua chế biến, tinh chế và thực phẩm có nguồn gốc từ động vật gây viêm nhiễm. Thay vào đó, hãy chọn thực phẩm thực vật có chứa nhiều chất chống oxy hóa và có đặc tính chống viêm.
Một số loại thực phẩm không tốt cho người viêm khớp cần hạn chế sử dụng:
- Thịt đỏ (thịt dê, thịt bò, thịt cừu,…)
- Đồ ăn nhanh
- Đồ ăn nhiều muối
- Rượu, bia
Một số loại thực phẩm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe xương khớp:
- Cá (ưu tiên)
- Các loại hạt
- Hoa quả
- Các loại rau xanh
- Đậu
- Dầu oliu
- Ngũ cốc
Một số loại cá rất giàu axit béo omega-3, một chất béo không bão hòa đa tốt cho sức khỏe và có thể làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể.
Một nghiên cứu trên tạp chí Annals of the Rheumatic Diseases cho thấy phụ nữ ăn cá thường xuyên có thể giảm nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) khuyến nghị ăn cá có nhiều omega-3 như cá hồi, cá hồi, cá thu và cá mòi hai lần một tuần.
Duy trì hoạt động thể chất
Tập thể dục không chỉ giúp giảm bớt căng thẳng lên các khớp mà còn tăng cường sức mạnh cho các cơ xung quanh khớp. Điều này giúp ổn định các lớp sụn và bảo vệ chúng khỏi sự hao mòn.
Để tối đa hóa lợi ích của việc tập thể dục, bạn nên xen kẽ các hoạt động aerobic như đi bộ, bơi lội với các bài tập tăng cường sức mạnh. Ngoài ra, hãy thêm một số động tác kéo giãn để duy trì sự linh hoạt và phạm vi chuyển động.
Đối với những người viêm khớp, tập luyện yoga là một lựa chọn lý tưởng. Các bài kéo giãn trong yoga có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, phục hồi sức mạnh của hệ thống xương sụn khớp.
Kiểm soát cân nặng
Đầu gối là bộ phận chính chịu trách nhiệm nâng đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể. Thừa cân hoặc béo phì đều ảnh hưởng tới bộ phận này. Theo Johns Hopkins, mặc dù bạn chỉ thừa khoảng 4.5kg cân nặng, nhưng lực tác động lên đầu gối khi bạn thực hiện mỗi bước đi có thể lên tới 13 – 27kg.
Phụ nữ thừa cân có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao hơn gần 4 lần so với phụ nữ có cân nặng khỏe mạnh. Chế độ ăn kiêng và tập thể dục thường xuyên là cách tốt nhất để đưa cân nặng của bạn vào mức lành mạnh hơn.
Tránh các chấn thương
Theo quá trình lão hóa tự nhiên, các khớp xương sẽ bị bào mòn khi tuổi càng lớn. Nhưng khi bạn bị chấn thương khớp, chẳng hạn trong lúc chơi thể thao hoặc bị tai nạn, các lớp sụn sẽ bị phá vỡ và nhanh chóng bị bào mòn. Để tránh chấn thương, hãy luôn sử dụng thiết bị an toàn thích hợp khi chơi thể thao và thực hiện các bài tập với kỹ thuật chính xác.
Có biện pháp bảo vệ khớp xương
Thực hiện tư thế đúng khi ngồi, đứng và nâng có thể giúp bảo vệ khớp khỏi những căng thẳng hàng ngày. Ví dụ, nâng bằng đầu gối và hông, không phải lưng khi nhặt đồ vật. Mang các vật dụng gần cơ thể để không bị căng cổ tay quá nhiều. Nếu bạn phải ngồi trong thời gian dài tại nơi làm việc, hãy đảm bảo rằng lưng, chân và tay được hỗ trợ tốt bởi gối, đệm.
Đảm bảo hàm lượng vitamin D cho cơ thể
Theo Viện Y tế Quốc gia, khoảng 60% người Mỹ bị thiếu vitamin D, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh. Đảm bảo lượng vitamin D trong cơ thể là một động thái thông minh để ngăn ngừa viêm khớp. Bạn có thể lựa chọn bổ sung vitamin D thông qua các loại thực phẩm tự nhiên hàng ngày. Tiếp xúc với ánh nắng cũng là một cách cung cấp vitamin D cho cơ thể.

Uống đủ nước mỗi ngày
Sụn trong khớp được tạo thành chủ yếu từ nước, tạo thành một tấm đệm tuyệt vời cho các khớp. Khi cơ thể mất nước, nước sẽ bị hút ra khỏi sụn và dễ bị hư hỏng do hao mòn. Khi các đĩa sụn ở cột sống mất độ ẩm hoặc nước và khô đi, điều đó sẽ làm tăng cơn đau. Hãy tập thói quen uống 6 – 8 cốc nước mỗi ngày để đảm bảo các sụn xương luôn được khỏe mạnh.
Tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp gia tăng theo độ tuổi, không có sự phân biệt các yếu tố giới tính hay chủng tộc. Có khoảng 100 loại viêm khớp khác nhau, nguyên nhân và các triệu chứng cũng khác nhau dựa theo các dạng viêm. Thực hiện một lối sống khoa học với các thói quen lành mạnh là cách phòng ngừa viêm khớp hữu hiệu nhất
Hi mọi người, mình là Trần Nguyễn Hoa Linh, chuyên gia trong lĩnh vực tăng chiều cao. Hiện nay mình đang làm việc tại Sachainchi VN, website chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm hữu ích trong việc cải thiện chiều cao cơ thể